Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
4 4 banner 1226x341

'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 2 - Đời sống nhà khoa học chỉ hơn được mỗi nông dân

Chủ nhật - 17/03/2019 10:05

Phận máy móc, phận con người

Tiến sĩ Khanh cho biết thêm: "Ngoài lương, anh em làm thí nghiệm thừa ra vài tấn thóc hay ít khoai hoặc đi làm thêm cho các dự án thậm chí là buôn giống, buôn phân, buôn thuốc BVTV cũng được một vài triệu mỗi tháng nữa...”.

Tiến sĩ Phạm Thiên Thành - Trưởng Bộ môn công nghệ sinh học chuyên về nghiên cứu cơ bản của viện than thở trong những năm gần đây không có nguồn kinh phí đầu tư nào nên phải duy trì bằng cách những đề tài nghiên cứu ứng dụng, có phần nào nghiên cứu cơ bản thì lồng ghép vào.

1

Tiến sĩ Phạm Thiên Thành - Bộ môn công nghệ sinh học đang chỉ những máy móc
đắt tiền bị hỏng mà không có kinh phí sửa

Cách “giật áo, vá vai” này mang tính hạn hẹp chỉ phục vụ cho đề tài đó nên không có định hướng lâu dài, không mở rộng ra được. Việc phối hợp với các đơn vị ngoài viện cũng khó vì nỗi lo... hỏng máy móc, thiết bị.

Nói đâu xa, các máy móc đắt tiền hàng trăm triệu cho đến cả tỉ như ly tâm, nghiền mẫu, nhân gen... của bộ môn đã hỏng tự bao giờ vì không có tiền bảo trì mà vẫn chưa sửa được. Anh Thành chỉ cho tôi chiếc máy nhân gen hỏng từ giữa năm 2018 mà khi liên lạc với hãng, được báo giá sửa là 50 triệu cũng đành bỏ đấy.

Đó là số phận máy móc, còn con người? Khác với nghiên cứu ứng dụng có phần chuyển giao, sản xuất, nghiên cứu cơ bản như bộ môn chỉ chòng chọc trông vào lương ba cọc, ba đồng. Đơn vị có 13 người gồm 2 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 5 thạc sĩ còn lại đại học, ngoài lãnh đạo bận quản lý không làm thêm thì nhiều nhân viên phải bươn chải bằng đủ các nghề tay trái như bán hàng gia dụng, mỹ phẩm online...  

Phân tâm bởi bán hàng online hay quản lý spa

Thạc sĩ Nguyễn Thành Luân - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lúa thuần nhận định: “Ngày xưa mặt bằng chung của xã hội đều thấp nên nhà khoa học và người dân đời sống giống nhau còn nay đời sống của nhà khoa học đã kém hẳn so với các thành phần khác nên bị phân tâm, số đam mê còn lại rất ít.

Viện cũng đang có những giống khá tốt như HDT 10, U17, N25… hoặc đang kết hợp với doanh nghiệp để nghiên cứu giống BC15 kháng đạo ôn nhưng cũng không biết cách và không đủ kinh phí để PR truyền thông cho nhiều người biết đến.

Bộ môn cây thực phẩm tiếng là có nhiều đề tài, dự án từ nhỏ đến lớn nhưng số ấy cũng chỉ đủ để trả 20% lương cho cán bộ công nhân viên theo quy định tỷ lệ tự chủ của nhà nước.

Bởi thế, đơn vị có 16 người thì hầu hết đều phải làm thêm, trong đó có 4 người làm rất xa ngành nghề được đào tạo như bán quần áo, mỹ phẩm, quản lý spa. Kỹ sư Trịnh Thị Lan đã có thâm niên 10 năm, hiện lương được 3 triệu cộng thêm các khoản công ngoài giờ, sản phẩm phụ của đề tài như cà chua, dưa... tự đi giao bán cũng thêm được mỗi tháng 1 - 2 triệu. Đồng lương quá ít khiến Lan ngày làm nhà nước, tối về lại làm xuất nhập kho, thu tiền cho công ty bảo vệ thực vật của gia đình để tăng thêm thu nhập.

2

Ban ngày của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà nhưng tối đến phải quản lý tiệm spa

Phải mất ít nhất là 5 năm với 10 vụ sản xuất mới có thể nghiên cứu được 1 giống lúa mà còn không biết có tốt hay không. Để tiết kiệm chi phí nhiều lúc thạc sĩ Liền phải tự làm cỏ, chuyển mạ, phơi thóc… Sự sáng tạo không được bay bổng mà bị ghì chặt sát xuống ruộng. Mặt đất, mặt người cũng mướt mát mồ hôi.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà ngày làm việc ở cơ quan, tối và các ngày thứ bảy, chủ nhật làm quản lý sổ sách cho một spa làm đẹp. Lương nhà nước trả cho cô được 4 triệu trong khi đó lương spa trả cho được 6 triệu.

Chủ cơ sở spa bảo nếu Hà chịu nghỉ hẳn để làm cho mình sẽ trả ít nhất là 15 triệu mỗi tháng nhưng cô vẫn tiếc tuổi thanh xuân với nhiều hoài bão khoa học nên cố chọn đi bằng cả hai con đường: “Bộ môn có 16 người thì có 12 là nữ, tỷ lệ ở viện cũng tương tự bởi vì nữ nhiều khi chỉ cần công việc ổn định, có thời gian chăm sóc con cái còn nam thì lại khác, họ bỏ việc rất nhiều”.

Một tối ở khu tập thể sắp sập

Đời sống cán bộ khoa học đã khó khăn thế, công nhân kỹ thuật - tầng lớp thấp nhất của các viện nghiên cứu còn khổ hơn nhiều. Trung bình họ phải nhận sản xuất 2 mẫu ruộng để đủ lương công nhân kỹ thuật và 1 mẫu chuyển đổi để cho hết diện tích, khỏi phải mang tiếng bỏ hoang.

Canh tác quanh năm lại toàn bón phân hóa học nên đất đai bạc màu, sâu nhiều, bệnh lắm, trung bình mỗi vụ phải 10 lần phun thuốc, mỗi lần 40 - 50 bình một ngày. Đời sống cơ cực quá nên ông Mười Ti khi đang phun thuốc trên đồng, nghe tin được nghỉ hưu đã đổ hết cả bình thuốc dở xuống ruộng, vứt đấy, chạy thẳng về nhà...

Tối đó, tôi đến khu tập thể của viện. Những dãy nhà cấp bốn xây từ những năm 70 của thế kỷ trước, xuống cấp và tồi tàn tựa như những cái chuồng trâu, sẵn sàng sụp bất cứ lúc nào. 12 dãy nhà, mỗi dãy 6 gian, rộng chỉ khoảng 15 - 20m2 còn khoảng ¼ là có người sinh sống bên trong. Người kẹt lại là các đối tượng không có tiền để mua đất, xây nhà bên ngoài.

3
Dãy nhà tập thể của viện

Mới 9 giờ cả khu đã tối om như hũ nút, vắng bặt tiếng người chỉ còn tiếng ếch nhái râm ran. Cặp vợ chồng Dương Văn Quý - Trần Thị Liền đều là thạc sĩ, Quý làm ở phòng khoa học còn Liền làm ở Trung tâm lúa thuần, thâm niên công tác trên 10 năm nhưng lương chỉ 3 - 4 triệu. Họ phải tự trồng rau, nuôi gà, cấy lúa thêm vào. Sản phẩm phụ từ thóc tập đoàn cả trăm giống dùng để nuôi gà còn thóc cấy nhân quan sát thì để người ăn.

Liền là một trong những tác giả của các giống lúa khá có tiếng là N24, N25, riêng giống N25 đã được chuyển nhượng cho một doanh nghiệp với giá hàng tỉ nên cô được 20 triệu - một khoản tiền lớn nhất trong đời từng nhận: “Mỗi tháng vợ chồng em tiết kiệm lắm thì được khoảng 1 triệu đồng. Cũng có nhiều công ty hứa trả tiền lương cao nhưng em vẫn không đi vì muốn có thời gian làm việc nhà, chăm con cái. Hiện nay người ta thích làm đề tài hơn là làm nghiên cứu bởi yếu tố kinh tế. Ra giống để trả bài thì dễ nhưng ra giống được thị trường chấp nhận thì rất khó”.

Tôi quen với chị Nguyễn Thị Mậu lúc theo đoàn chuyên gia trồng lúa tại Venezuela năm 2018. Đầu năm nay chị đã có quyết định nghỉ hưu sau 32 năm làm công nhân sản xuất.

Chồng của chị cũng là nhân viên của viện tới nay là 38 năm, chưa được nghỉ. Họ sống trong một gian tập thể tồi tàn truyền từ đời người trước đến đời bố mẹ rồi tới đời mình. Nhiều ngôi khác ở đây còn qua 5 - 7 chủ như vậy, giờ đã bỏ hoang nhưng họ vẫn phải cố bám trụ.

Khoản hơn 1 trăm triệu thu nhập từ 1 năm sang Venezuela cộng với khoản tích góp của cả đời vẫn chưa đủ giúp họ xây một ngôi nhà mới bên ngoài: “Vụ nào khéo thì sản xuất vượt được mức khoán của viện là 8 tấn/ha/năm, dôi ra được cỡ 5 - 7 tạ thóc, bán thêm được 5 - 7 triệu còn không thì chỉ có mỗi lương, phải chắt chiu lắm mới nuôi nổi hai đứa con ăn học”.

4
Cấy lúa ở ruộng thí nghiệm

Nhiều người vẫn còn nhớ cuộc họp của Bộ NN-PTNT mấy năm trước do Bộ trưởng Cao Đức Phát hồi đó chủ trì: “Tại sao đang làm việc thì rất nhiều nhà khoa học chẳng ra được một giống gì nhưng khi về hưu, làm cho các công ty lại ra rất nhiều giống?”.

Một lãnh đạo viện nghiên cứu đã đứng lên, thẳng thắn trả lời: “Thưa Bộ trưởng, lương của chúng tôi chỉ 7 - 8 triệu nhưng các công ty trả 20 - 25 triệu/tháng cho các cán bộ về hưu làm cho họ thì đương nhiên phải mang cái gì đến chứ ạ? Làm nghề nghiên cứu, chỉ cần giấu chục hạt thì đã thành một giống rồi, trước khi về hưu giấu khoảng 50 giống tốt nhất, cất vào tủ lạnh, mang về quê làm, đến khi nghỉ thì đem các sản phẩm đó chào hàng cho các công ty”.

'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 1 - Thủ tục, giấy tờ cao hơn ông chủ nhiệm đề tài
'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 3 - Chảy máu chất xám ở một Viện lẫy lừng
'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 4 - Viện chỉ như một sân ga
'Sức khỏe' của giới khoa học nông nghiệp: Bài 5 - Trần tình của một người trong chăn

Tác giả bài viết: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG - TRẦN CAO

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay1,737
  • Tháng hiện tại158,330
  • Lượt truy cập:22418649
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây